bg-news
bg-news2

Đương Quy Nhật Bản

Đương quy

 

280px-Angelica acutiloba-01

Đương quy di thực

Tên tiếng việt: Đương quy Nhật Bản

Tên khoa học: Angelica acutiloba 

Họ: Apiaceae (Hoa tán)

Công dụng: Thuốc bổ máu, chữa bệnh thiếu máu xanh xao, gầy yếu, mệt mỏi; đau đầu, đau lưng, đau ngực, viêm khớp, chân tay tê nhức, táo bón, mụn nhọt lở ngứa, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh

 

Tên khoa học: Angelica acutiloba (Sieb. et Zucc) Kitagawa.

Họ hoa tán: Apiaceae.

Tên vị thuốc: Đương quy.

Đặc điểm thực vật

Đương quy thân thảo, cao từ 75 – 100 cm khi ra hoa. Lá có cuống dài, có bẹ lá phía gốc, cuống lá màu tím nhạt, lá xẻ lông chim 3 lần, mép lá có răng cưa, không có lông. Hoa tự hình tán kép, cánh hoa màu trắng. Hoa của bông trung tâm nở trước, sau đó lần lượt đến hoa ở cành cấp 1, cấp 2, cấp 3. Thứ tự các cấp cành nở hoa cách nhau từ 4 – 6 ngày. Quả bế đôi, thuôn dài 4 – 5 mm, hẹp dần về phía gốc. Tâm bì có gân, có 4 – 5 ống dẫn ở phần lưng, bốn chiếc ở mặt bụng. Rễ cọc có rễ phụ, toàn thân có mùi thơm đặc biệt.

Mùa hoa tháng 3 – 4. Mùa quả tháng 6 – 7.

Điều kiện sinh thái

Cây Đương quy trồng trong sản xuất hiện nay được nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam năm 1990. Cho đến nay chưa tìm thấy Đương quy mọc tự nhiên trong hệ thực vật Việt Nam. ở Nhật Bản, Đương quy mọc hoang ở các vùng Mt.Ibuki và vùng ven sông Hida. Đương quy được trồng và sử dụng nhiều ở Trung Quốc với loài Angelica sinensis, ở Nhật Bản trồng và sử dụng loài Angelica acutiloba.

Đương quy thích ứng với khí hậu mát ẩm, biên độ nhiệt độ 15 – 25oC, vũ lượng 1600 – 2000 mm/năm, đất giàu mùn.

Đặc điểm sinh trưởng phát triển

 Các giai đoạn sinh trưởng phát triển

Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng:

Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng của Đương quy kéo dài từ khi cây mọc mầm, phát triển thành cây, tăng lên về số lượng và thành phần tế bào. Bộ lá quanh cổ rễ phát triển tối đa, sự sinh trưởng sinh dưỡng càng mạnh thì sự tích luỹ chất khô vào củ càng nhiều, vì vậy việc kéo dài thời gian sinh trưởng sinh dưỡng có ý nghĩa lớn trong việc tăng năng suất dược liệu cây Đương quy.

Giai đoạn sinh trưởng sinh sản:

Giai đoạn sinh trưởng sinh sản là quá trình tiếp theo của sinh trưởng sinh dưỡng, biểu hiện từ khi cây ra ngồng, lúc này bộ lá quanh cổ rễ ngừng phát triển, mà hình thành những lá nhỏ trên thân. Rễ củ không tăng lên về khối lượng mà lại tiêu hao dinh dưỡng để nuôi hoa, quả, làm cho rễ củ bị hoá xơ và rỗng, không sử dụng làm dược liệu được. Khi kết thúc giai đoạn sinh trưởng sinh sản, cây Đương quy kết thúc một vòng đời. Quá trình sinh trưởng sinh sản thường xảy ra 3-4 tháng cuối trong đời sống của cây Đương quy.

Kết quả nghiên cứu về sinh trưởng phát triển của Đương quy

Năm 1990, Đương quy Nhật Bản được nhập vào Việt Nam và đã được Viện Dược liệu trồng thử ở Trạm cây thuốc Sapa (Lào Cai). Kết quả sau 3 năm thử nghiệm (1991 – 1993) cho thấy ở miền núi cao miền Bắc thời gian sinh trưởng phát triển của Đương quy Nhật Bản như sau:

Thời gian nảy mầm của hạt (từ gieo đến mọc) khoảng trên dưới 20 ngày.

Tỷ lệ nảy mầm của hạt đạt khoảng 75% – 85%.

Thời gian từ gieo hạt đến thu được dược liệu khoảng trên dưới 500 ngày.

Thời gian từ gieo hạt đến khi thu hạt giống khoảng trên dưới 550 ngày.

Năng suất củ đạt được trên dưới 25 tạ/ha.

Năng suất hạt giống khoảng xấp xỉ 300 kg/ha.

Khối lượng 1000 hạt khoảng 4,2 – 4,5g.

Thử nghiệm cũng cho thấy tỷ lệ cây ra hoa năm thứ nhất thấp (6,5%), củ to, năng suất dược liệu khá ổn định.

Qua kết quả nghiên cứu sản xuất hạt giống Đương quy Nhật Bản ở Sapa, hạt giống đã được đưa về trồng thử ở đồng bằng sông Hồng để sản xuất dược liệu Đương quy, Phạm Văn ý (2001) bước đầu đã đi đến kết luận:

ở Sapa (Lào Cai), Đương quy Nhật Bản ngoài việc sản xuất để thu dược liệu, Sapa còn là nơi có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất hạt giống Đương quy có chất lượng tốt cung cấp cho các vùng trồng ở miền Bắc Việt Nam.

ở vùng đồng bằng sông Hồng (Thanh Trì – Hà Nội) chỉ trồng Đương quy Nhật Bản để lấy dược liệu, không thích hợp với việc sản xuất hạt giống bởi thời gian ra hoa ngắn, tỷ lệ đậu quả thấp.

Giá trị làm thuốc

Thành phần hoá học

Thành phần hoá học chính của Đương quy là tinh dầu 0,2%, tỷ trọng ở 15oC là 0,955, có màu vàng sẫm, có chứa 40% axit tự do. Tinh dầu Đương quy gồm ligustilid, n-butyliden phtalid, o-valerphenon carboxylic acid, safrol, p- cymen…

Ngoài ra còn có vitamin B12 0,25-0,4%, axit folic, biotin, polysacharid.

Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng

Bộ phận dùng làm thuốc:

Bộ phận dùng làm thuốc là rễ Đương quy(Radix Angelicae acutiloba).

 Công dụng:

Theo y học cổ truyền

Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông kinh, dưỡng gân, tiêu sưng, nhuận tràng.

Trong đông y, Đương quy là đầu vị trong điều trị bệnh phụ nữ. Đồng thời cũng được chỉ định trong các đơn thuốc bổ và trị bệnh thiếu máu, đau đầu, cơ thể suy yếu, suy tim, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, đau kinh, bế kinh (uống trước khi thấy kinh 7 ngày). Ngày uống 7 -10g, dùng dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu thuốc.

Theo tài liệu nước ngoài, Đương quy dùng điều trị kinh nguyệt không đều, huyết ứ trệ, đau kinh, bế kinh, sa tử cung, đau phong thấp, mụn nhọt, táo bón, hói đầu, điều trị cao huyết áp và hỗ trợ điều trị ung thư, làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm. Phụ nữ mang thai uống trước khi sinh cho dễ đẻ.

Theo y học hiện đại

Tác dụng dược lí

Đương quy có tác dụng kiểu oestrogen yếu trên chức năng nội tiết của sinh vật cái. Nhưng tác dụng này không ổn định.

Gây tăng trương lực và biên độ co bóp tử cung cô lập và tại chỗ của súc vật thí nghiệm.

Rễ Đương quy có tác dụng tăng lực rõ rệt trong thí nghiệm chuột bơi gắng sức. Có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể với súc vật thí nghiệm được gây độc với amonichlorid.

Có tác dụng chống viêm ở cả hai giai đoạn viêm cấp và mãn tính trên thực nghiệm. Tác dụng chống viêm giống như các thuốc chống viêm phi steroid (chống viêm không kèm theo ức chế miễn dịch).

Theo tài liệu nước ngoài, rễ Đương quy có 2 thành phần với 2 tác dụng kích thích và ức chế tử cung; thành phần kích thích tử cung là phần tan trong nước và cồn; thành phần ức chế tử cung là tinh dầu.

Cao nước Đương quy có tác dụng ức chế sự ngưng kết tiểu cầu chuột cống trong ống nghiệm  cũng như trên in vitro.

Độc tính cấp của Đương quy rất thấp.

Trên lâm sàng: Viện Dược liệu đã di thực cây Đương quy Nhật Bản (A. acutiloba) và nghiên cứu thấy có những tác dụng dược lí sau: ức chế hệ thần kinh trung ương, gây trấn tĩnh, kéo dài thời gian ngủ của thuốc ngủ; giảm đau với các cơn đau quặn, đau nội tạng thực nghiệm ở chuột nhắt trắng; giải nhiệt, nhuận tràng, điều kinh; gây hoạt hoá tế bào B và T, tăng sản sinh kháng thể; chống viêm và làm giảm khả năng máu đông. Qua nghiên cứu, Viện đã tạo sản phẩm viên bao phim Angala và nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III, chứng minh tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư vú của các bệnh nhân chiếu tia xạ (năm 2002).

Liên hệ

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU VÂN HỒ

  • Địa chỉ : Bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
  • Hotline : 097 234 6262
  • Email : info@duoclieuvanho.vn
  • Website : www.duoclieuvanho.vn
Liên hệ với chúng tôi