Cây cát cánh hay còn được gọi là kết cánh, mộc tiện, bạch dược, cánh thảo hay phù hổ,... Cát cánh có chứa các thành phần hóa học như Methyl 2-O-Methylplatyconate-A, Platycodin C, D, A, Polygalin acid, Platycogenic acid, b-D-Glucoside, a-Spinasteryl, a-Spinasterol,... Vì vậy, cây thuốc cát cánh có tác dụng tuyên thông phế khí, loại bỏ đờm, tiêu nùng, bài nùng và lợi yết,... Đồng thời cát cánh chủ trị các chứng do phong hàn, bế tắc ở phế như cổ họng sưng đau, ho có đờm, tắc tiếng hoặc khàn tiếng,...
1. Đặc điểm cây cát cánh
Cây cát cánh hay còn được có tên gọi khác là kết canh, mộc tiện, bạch dược, phù hổ hay cánh thảo,... Cát canh thuộc họ hoa chuông với danh pháp khoa học campanulaceae và có tên khoa học là platycodon grandiflorum. Cát cành có nguồn gốc từ khu vực Đông Bắc của Châu Á và phân bố chủ yếu tại Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.
Cát canh là cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao trung bình từ 60-90cm. Lá dưới mọc vòng hoặc đối xứng nhau, không có cuống, phiến lá hình trắng, mép lá có răng cưa to và lá trên thân mọc cách. Rễ củ nạc, bên ngoài có màu vàng nhạt. Hoa cát canh có hình chuông, màu xanh lam và mép có 5 thùy, các thùy có gân nổi rõ. Hoa thường mọc vào tháng 5-8, quả hình trứng ngược vào mùa ở tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
2. Thu hái và chế biến cây cát cánh
Bộ phận được sử dụng để làm dược liệu là rễ với tên dược là radix platycodi. Vào tháng 2 - 8 hàng năm, người ta sẽ thu hái rễ cây cát cánh, rửa sạch và sau đó đem phơi hoặc sấy khô. Một số cách chế biến vị thuốc cát cánh bao gồm:
- Theo Bản Thảo Cương Mục: Đem cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài của rễ cây, sau đó tẩm với nước gạo trong 1 đêm. Xắt mỏng và sao qua.
- Theo Lôi Công Bào Chính Luận: Bỏ đầu và cuống rễ, sau đó giã nát chung với bách hợp sống, ngâm rễ cát cánh trong một đêm sau đó sao cho khô.
- Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Ủ rễ tươi trong một đêm, sau đó cắt thành từng lát mỏng, phơi khô hoặc tẩm mật ong rồi sao vàng.
3. Cây cát cánh có tác dụng gì?
Cây thuốc cát cánh có chứa nhiều thành phần hóa học như Methyl 2-O-Methylplatyconate-A, Platycodin C, D, A, Polygalin acid, Platycogenic acid, b-D-Glucoside, a-Spinasteryl, a-Spinasterol,... và người ta chia thành hai công dụng chính bao gồm:
3.1 Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu hiện đại thì cây cát cánh có những tác dụng dược lý như sau:
- Tác dụng nội tiết: nước được sắc từ dược liệu có khả năng làm giảm đường huyết của thỏ, đặc biệt là đối với những con thỏ được gây tiểu đường nhân tạo.
- Tác dụng chống nấm: nước sắc từ cây cát cánh có thể gây ức chế được hầu hết các loại nấm gây bệnh trên da.
- Saponin có trong thảo dược có tác dụng làm giảm đau, kháng viêm, giải nhiệt, ức chế miễn dịch, chống viêm loét dạ dày và an thần.
- Tác dụng đối với hệ hô hấp: sử dụng nước sắc cho mèo và chó đã được gây mê, người ta nhận thấy rằng niêm mạc phế quản tăng tiết dịch. Do vậy, cây thuốc cát cánh có khả năng làm long đờm và giảm ho hiệu quả.
- Tác dụng chuyển hóa lipid: sử dụng nước sắc từ cát cánh cho chuột uống, kết quả cho thấy giúp làm giảm cholesterol trong gan và đồng thời thúc đẩy chuyển hóa cholesterol trong cơ thể.
- Tác dụng huyết học: thành phần saponin có trong cây thuốc cát cánh có tác dụng giúp tán huyết mạnh. Tuy nhiên, thành phần này thường bị phân hủy khi sử dụng qua đường uống, cho nên thường được tiêm trực tiếp.
3.2 Theo Y Học Cổ Truyền
Theo Đông y cát cánh có những tác dụng như:
- Trừ hàn nhiệt, tiêu cốc, trường vị, hạ cổ độc, lợi ngũ tạng và bổ khí huyết, lợi hầu yết thống, ôn trung.
- Chỉ khái, khử đờm, bài nùng và đề phế khí.
- Khử tích khí, trừ phúc trung lãnh thống, phá huyết và tiêu đờm.
- Tiêu nùng, tán tà, tuyên thông phế khí.
Ngoài ra, cát cánh chủ trị khàn tiếng do họng sưng đỏ, tắc tiếng và có kèm theo ho có đờm, phế ung. Đồng thời, trị đau họng, đau sườn, ho do phòng tà ở phế, đau ngực, nôn ra mủ máu.
4. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây cát cánh
Cây thuốc cát cánh có vị cay tính hơi ôn (theo Bản Kinh), vị đắng không có độc và tính bình (theo Dược Tính Bản Thảo), vị cay đắng và tính hơi ấm (theo Trung Dược học). Quy vào kinh phế, túc thiếu âm Thận, dương minh Vị và thái âm Tỳ. Bài thuốc dùng cát cánh ở dạng bột uống hoặc thuốc nước sắc,... tùy thuộc vào mục đích sử dụng, liều lượng có thể từ 4-12 gram. Một số bài thuốc cát cánh trong điều trị bệnh cụ thể như:
- Bài thuốc trị họng sưng đau: sử dụng cam thảo 4 gram cùng với cát cánh 8 gram, sau đó đem tán bột uống hoặc sắc uống.
- Bài thuốc trị ngực đầy nhưng không đau: sử dụng cát cánh và chỉ xác với một lượng bằng nhau. Đem sắc với 2 chén nước cho đến khi còn lại một chén, uống ngay khi thuốc còn nóng.
- Bài thuốc trị ho suyễn có đờm: sử dụng nửa chén đồng tiện sắc với 60 gram cát cánh được tán bột.
- Bài thuốc trị thương hàn khiến cho âm dương không điều hòa, bụng đầy: sử dụng gừng 5 lát, cát cánh 12 gram, trần bì 12 gram và bán hạ 12 gram. Đem sắc các vị thuốc trên cùng với 2,5 chén nước cho đến khi còn 1 chén và uống ngay khi thuốc còn ấm.
- Bài thuốc trị huyết ứ trong ruột do té ngã và lâu ngày không tiêu: sử dụng cát cánh dạng tán bột uống với nước cơm mỗi lần 12 gram.
- Bài thuốc trị cổ họng viêm, sưng đau và hầu tý: đem sắc 80 gram cát cánh cùng với 3 thăng nước sắc cho đến khi còn 1 thăng.
- Bài thuốc trị phế ung khiến ngực đầy, ho, họng khô nhưng không khát, người rét run: sử dụng 40 gram cát cánh kết hợp với 80 gram cam thảo sắc cùng với 3 thăng nước cho đến khi còn 1 thăng. Chia phần thuốc thành nhiều lần uống trong ngày.
- Bài thuốc trị lợi loét và chân răng đau nhức: sử dụng bột cát cánh trộn với nhục táo, vo thành viên (viên to bằng hạt bồ kết). Lấy bông bọc viên thuốc lại rồi ngậm thêm với nước kinh giới đến khi khỏi.
- Bài thuốc trị phụ nữ mang thai đau bụng và ngực sườn đầy tức: Dùng cát cánh tươi 40 gram, đem giã lấy 1 chén nước, rồi sắc với gừng 3 lát, uống ấm.
- Bài thuốc trị răng sâu: Đem tán bột cát cánh và ý dĩ nhân, uống trực tiếp.
- Bài thuốc trị mắt đau do can phong thịnh: Dùng hắc khiên ngưu đầu nhỏ 120 gram với cát cánh 1 thăng, đem tán thành bột mịn, vo thành viên (viên to bằng hạt ngô đồng). Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 40 viên uống cùng nước nóng.
- Bài thuốc trị cam ăn khiến răng lở thối: Dùng hồi hương và cát cánh bằng lượng nhau, tán bột mịn rồi xức vào chân răng.
- Bài thuốc trị chảy máu mũi: Mỗi lần dùng 1 thìa cát cánh tán bột, ngày dùng 4 lần.
- Bài thuốc trị trẻ nhỏ khóc đêm: Dùng cát cánh đốt rồi tán bột. Mỗi lần dùng 12 gram uống với nước cơm, có thể thêm 1 ít xạ hương.
- Bài thuốc trị tiêu ra phân màu gan gà, trúng độc: Dùng khổ cát cánh tán bột mịn. Mỗi lần dùng 12 gram uống với rượu, ngày dùng 3 lần, duy trì trong 7 ngày. Bên cạnh đó cần ăn phổi và gan heo để bồi dưỡng cơ thể.
- Bài thuốc trị ho do nhiệt, có đàm dẻo đặc: Dùng tỳ bà diệp 12 gram, cam thảo 4 gram, cát cánh 8 gram, tang diệp 12 gram. Mỗi ngày sắc 1 thang, uống trong 2 – 4 ngày hoặc dùng đến khi khỏi.
- Bài thuốc trị viêm amidan: Dùng liên kiều 12 gram, cát cánh 8 gram, sinh cam thảo 4 gram với kim ngân hoa 12 gram. Đem sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc trị ho hàn, đàm lỏng: sử dụng tử to 12 gram, cát cánh 8 gram, bạc hà 4 gram, hạnh nhân 12 gram đem sắc uống. Duy trì uống bài thuốc này trong 4 ngày liên tục.
- Bài thuốc trị ngực đầy tức, phế ung: Dùng bạch mao căn 40g, cam thảo sống 4 gram, đông qua nhân 24 gram, ngân hoa đằng 12 gram, cát cánh 4 gram, ngư tinh thảo 8 gram, ý dĩ nhân 20 gram, bối mẫu 8 gram. Đem các vị sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc trị ho mửa ra mủ đàm, ngực đầy tức và phế ung: Dùng hồng đằng 340 gram, ngư tinh thảo 340 gram, cát cánh 160 gram, ý dĩ nhân 32 gram và tử hoa địa đinh 32 gram. Đem chế thành rượu khoảng 450ml, mỗi lần dùng 10ml, ngày dùng 3 lần.
- Bài thuốc trị miệng hôi: Dùng hồi hương và cát cánh bằng lượng nhau, đem tán bột mịn rồi bôi vào chân răng.
- Bài thuốc trị ngực đau tức do tuổi già: Dùng quảng mộc hương 6 gram, hương phụ 12 gram, cát cánh 12 gram, trần bì 12 gram, đương quy 20 gram. Đem sắc mỗi ngày 1 thang.
- Bài thuốc chữa ho suyễn nhiều đờm: Dùng trần bì 6 gram, mạch môn sao 6 gram, ngũ vị tử 6 gram, cát cánh 6 gram, bán hạ chế 6 gram, ngưu tất 6 gram và ma hoàng 6 gram, đem sắc uống.
5. Kiêng kỵ
Một số trường hợp cần tránh sử dụng bài thuốc có chứa cát cánh bao gồm:
- Âm hư ho lâu ngày đi kèm với ho ra máu, âm hư hỏa nghịch: Không dùng.
- Cát cánh kỵ thịt heo.
- Phế không có phong hàn bế tắc: Không dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tóm lại, cây cát cánh hay còn được gọi là kết cánh, mộc tiện, bạch dược, cánh thảo hay phù hổ,... Cây thuốc cát cánh có tác dụng tuyên thông phế khí, loại bỏ đờm, tiêu nùng, bài nùng và lợi yết,... Đồng thời cát cánh chủ trị các chứng do phong hàn, bế tắc ở phế như cổ họng sưng đau, ho có đờm, tắc tiếng hoặc khàn tiếng,... Tuy nhiên trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc đông y nào cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y Học Cổ Truyền để được tư vấn cũng như có liệu trình điều trị phù hợp.