Dây đau xương (Tinospora sinensis (L.) Merr.) là loại thực vật thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Cây còn có tên gọi khác là Khoan cân đằng, có ý nghĩa làm cho xương cốt được chắc khỏe. Theo Đông y, cây có vị đắng, tính mát, được biết đến là vị thuốc có hiệu quả tốt trong điều trị các bệnh về cơ xương khớp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loài cây có tên gọi độc đáo này.
Dây đau xươngTên tiếng Việt: Dây đau xương, Khoan cân đằng, Tục cốt đằng, Khau năng cấp Tên khoa học: Tinospora sinensis Merr. Họ: Menispermaceae (Tiết dê) Công dụng: Chữa đau xương, tê thấp, đau lưng, viêm dây thần kinh toạ (dây giã sắc uống). |
Mô tả cây
- Dây đau xương là một loại cây leo, dài 7-8m, thân có nốt sần và có lông.
- Lá có lông, nhất là ở mặt dưới làm cho mặt dưới có màu trắng nhạt, phiến lá hình tim, phía cuống tròn và hõm lại, phía đỉnh hẹp lại thành mũi nhọn, dài 10-12cm, rộng 8-10cm, có 5 gân rõ, toả hình chân vịt.
- Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đơn độc, hoặc mấy chùm tụ lại, chùm dài chừng 10cm, có lông măng, màu trắng nhạt.
- Quả hạch, khi chín có màu đỏ, có dịch nhầy, hạch hình bán cầu, mặt phẳng của bán cầu hõm lại.
- Mùa quả ở miền Bắc: tháng 3-4.
Phân bố, thu hái và chế biến
Ở Việt Nam, dây đau xương mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, miền núi cũng như miền đồng bằng.
Bộ phận dùng: Thân và lá thu hái quanh năm. Đối với thân già, cắt thành từng đoạn dài 20-30cm, rồi phơi hay sấy khô, dùng sống hay tẩm rượu.
Thành phần hoá học
Toàn cây dây đau xương có nhiều ancaloit (Đỗ Tất Lợi – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, 1999). Trong dây đau xương, người ta đã tách và xác định cấu trúc một glucoside phenolic là tinosinen.
Trong cành người ta tìm thấy 2 chât dinorditerpen glucoside: tinosinesid A và B
Tác dụng dược lý
- Một số bài thuốc bổ thận gồm 9 vị, trong đó có dây đau xương, dùng trong y học dân tộc để trị đau lưng, mỏi gối, đã được thử tác dụng nội tiết sinh dục bằng cách cho chuột nhắt cái thiến uống các tác dụng gây động dục.
- Một số bài thuốc chữa viêm khớp gồm 5 vị trong đó có dây đau xương trên thử nghiệm dược lý và dược lý lâm sàng đã được xác minh hiệu lực chống viêm.
- Dây đau xương có tác dụng ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn của histamine và acetylcholine trong thí nghiệm ruột cô lập.
- Dây đau xương có ảnh hưởng trên huyết áp động vật thí nghiệm, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương biểu hiện trên các hiện tượng quan sát bên ngoài của động vật, có tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ, tác dụng an thần và lợi tiểu.
Tính năng, công vị
Dây đau xương có vị đắng, tính mát, có tác dụng mạnh gân cốt, trừ phong thấp
Công dụng và liều dùng
Dây đau xương còn là một vị thuốc mới được dùng trong phạm vi nhân dân để chữa những triệu chứng của bệnh tê thấp, đau xương, đau người. Còn được dùng làm thuốc bổ. Dùng dưới hình thức thuốc uống hay thuốc xoa bóp. Người ta cho rằng thân cây có tác dụng mạnh hơn.
Vài hình thức dùng dây đau xương:
- Lá dây đau xương giã nhỏ, trộn với rượu để đắp lên những chỗ sưng đau.
- Thái nhỏ thân dây đau xương, sao vàng ngâm rượu với tỷ lệ 1 phần 5. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 cốc con. Phụ nữ và những người không uống được rượu có thể sắc với nước mà uống. Thường thời gian điều trị kéo dài 15 ngày.