La hán quả là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể giải nhiệt, trị ho, nhuận tràng… hiệu quả.
La hánTên tiếng Việt: Khố áo xiêm, Khố áo, Sĩ tư la hán quả, La hán Tên khoa học: Momordica grosvenorium Swingle Họ: Cucurbitaceae (Bầu bí) Công dụng: Chữa bệnh ngoài da, viêm dây thần kinh, ghẻ ngứa (Lá). Viêm hầu họng, dạ dày lạnh đau (Rễ). |
La hán quả là gì?
Tên thường gọi: Giải khổ qua, quả la hán, quả mộc miết…
Tên khoa học: Momordica grosvenori Swingle
Họ khoa học: Họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Tên dược liệu: Fructus Momordicae grosvenorii
Hiện nay, cây được coi là đặc sản của khu vực Quế Lâm, Trung Quốc, nhập khẩu vào nước ta nhiều năm.
Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Đặc điểm sinh trưởng
Theo nhiều tài liệu, nguồn gốc của cây La hán là từ khu vực Nam Trung Quốc và Bắc Thái Lan. Trước đây cây chủ yếu mọc hoang, tuy nhiên hiện nay nhờ có giá trị kinh tế cao mà loài này được nhân giống và xuất hiện khắp hơi, đặc biệt tại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc. Cây được trồng lấy quả, chiết xuất thành các loại nước giải khát bổ dưỡng.
Thu hái
- Thời điểm thích hợp để thu hái là tháng 7-9 hàng năm.
- Chọn làm dược liệu những quả to, già, cứng chắc, khi lắc không nghe âm thanh.
- Sau đó đem về tẩy sạch lông, phơi hay sấy khô dữ trữ (gói giấy hay đóng thùng kín) dùng dần.
Mô tả toàn cây La hán
Là cây lưỡng niên, mọc leo. Thân có thể dài tới 3m, dọc thân có nhiều tua cuốn có khả năng quấn vào cáo cây khác để leo lên.
Hoa mọc dạng chùm, mỗi chùm có 2-3 hoa, màu vàng nhạt. Cuống hoa dài trung bình 4 cm, phiến hoa bao nhỏ.
Lá La hán hình trái tim, kích thước dài khoảng 10 cm, ngang khoảng 4cm, rụng theo mùa.
Quả có vỏ cứng nhỏ, đường kính 4-6 cm, hình cầu hay hơi trái xoan. Vỏ có màu xanh khi non, càng về già vỏ dần chuyển sang nâu sẫm, sáng bóng. Có lớp lông nhung trên bề mặt vỏ. Ngoài ra, quả còn có chóp phình to ra, phần đay hẹp có vết của cuống. Chất quả giòn, dễ vỡ, mặt trong sắc nâu vàng, xốp nhẹ, mùi thơm đặc trưng, khi lắc nghe tiếng kêu.
Trong quả có hạt, dẹt, hình tròn, màu nâu, giữa lõm, rìa dày. Quả có phần hạt bên trong, gồm 2 lá mầm, vị ngọt.
Bộ phận làm thuốc – Bảo quản
- Bộ phận làm thuốc
Quả khô, tròn. Bề ngoài lớp vỏ già khá giòn, màu nâu vàng, bóng láng, có chút lông nhung mịn bao phủ. Khi bóp nhẹ sẽ vỡ ra, lộ ra lớp bên trong trắng ngà, xốp nhẹ, có 10 vân sợi chạy xuống dọc theo lớp vỏ.
Dược liệu tốt là có phần ruột bên trong hơi ướt, màu đậm. Đối với một số vị thuốc để lâu hay sấy khô có thể ngửi có mùi hơi khô mốc.
- Bảo quản
La hán nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời, độ ẩm <12%, nhiệt độ trung bình khoảng 30 độ C.
Tác dụng của La hán quả
1. Thành phần hóa học
- Thịt quả có hàm lượng glucose thiên nhiên rất cao như glucose, fructose…Tổng lượng đường trong quả khô chiếm 25-40%, trong đó fructose 10-15%, glucose 5-15%
- Protein thực vật 8-13%.
- Nhóm glycoside loại terpen, gọi chung là mogroside 1%. Đây là chất tạo ngọt tự nhiên không gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt, thành phần này trong quả La hán cao hơn nhiều lần so với mía (300 lần). Ngoài ra còn chất D-mannitol có độ ngọt khoảng 0,55-0,65% đường mía.
- Hạt có 41% acid béo tự nhiên, có lợi cho quá trình chuyển hóa chất béo và trao đổi chất ở con người. Bao gồm: Oleic acid, Palmitic acid, Linoleic acid, Stearic acid, Palmitoleic acid, , Lauric acid, Myristic acid trong đó hai loại Oleic acid và Linoleic acid chiếm hơn 70%.
2. Tác dụng Y học hiện đại
- Tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa: Nhờ mogrosid có tác tụng chống oxy hóa cực mạnh, chậm tiến trình lão hóa, ngăn chặn các gốc tự do
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường, ngăn ngừa béo phì: Nhờ vị ngọt tự nhiên cũng như hàm lượng calo khá thấp, nên La hán phù hợp cho người cơ địa béo phì, đang kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, Y học Trung Quốc cũng đã sử dụng dược liệu để điều trị bệnh đái tháo đường bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, đồng thời hạ đường huyết…
- Thanh nhiệt, nhuận trường: Làm mát cơ thể, hỗ trợ trị táo bón.
- Ức chế vi khuẩn, giảm viêm: Khi thực hiện nghiên cứu trên những người bị sâu răng, nha chu, cho thấy dược liệu giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng răng miệng.
- Chống dị ứng: Dược liệu có khả năng kháng histamin, giúp giảm ngứa, chống viêm do dị ứng.
3. Tác dụng Y học cổ truyền
- Tính vị: Vị ngọt, tính mát, không chứa độc.
- Quy kinh: Kinh Phế, kinh Tỳ.
- Công dụng: Thanh nhiệt, giảm sốt, long đờm, chữa ho, dịu cổ họng, giải độc, nhuận trường, giải khát…
- Chủ trị: Nóng trong người, táo bón, ho, ho có đàm, cổ họng khô khát, viêm đường hô hấp, viêm họng cấp…
Cách sử dụng La hán quả
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. La hán quả có thể dùng dưới dạng hãm nước sôi, hấp chín để uống, dạng thuốc sắc…
Liều dùng:
- Quả khô 9-15g/ ngày, có thể dùng tới 30g.
- Hoặc 1-2 quả La hán/ngày.
- Phối hợp với mật ong giúp nhuận trường, trị táo bón.
Những trường hợp thích hợp dùng dược liệu:
- Có nhu cầu giải khát, làm mát, thanh nhiệt cơ thể.
- Những bệnh nhân béo phì, đái tháo đường sử dụng rất phù hợp.
- Bệnh nhân có vấn đề bệnh về đường hô hấp cũng thích hợp để dùng như ho, ho có đàm…
Một số bài thuốc từ La hán quả
1. Giảm tình trạng đau họng, nuốt đau do viêm, khan tiếng
Quả La hán (01 quả) thái thành từng lát mỏng, sắc nước uống trong ngày.
2. Chữa ho, có đờm
Quả La hán 20g, Tang bạch bì 12g, đem 2 vị sắc thành nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
3. Hỗ trợ điều trị táo bón, nhuận tràng
La hán quả sau khi sắc lấu nước uống thì cho thêm chút mật ong, dùng trong ngày.
Kiêng kỵ
- Mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần hoạt chất của dược liệu.
- Cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú.
- Bệnh nhân thể trạng tính “hàn” như tiêu lỏng, tay chân lạnh, sợ lạnh, da xanh xao, tái nhợt… không nên dùng.
- Không sử dụng quả La hán bị hỏng như có phần ruột khô, bột, có mối mọt,…
La hán quả không chỉ là món ăn quen thuộc, mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn