Mạch môn hay Mạch môn đông còn có tên gọi là Lan tiên, Mạch đông. Vì lá cây giống lá lúa mạch, về mùa đông lá vẫn xanh tươi cho nên gọi là Mạch đông. Những nghiên cứu y học hiện đại cho thấy vị thuốc này có tác dụng trên mạch vành của tim. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu công dụng, cách dùng của Mạch môn trong bài viết này!
Mạch mônTên tiếng Việt: Mạch môn, Lan tiên, Tóc tiên, Duyên giới thảo, Xà thảo, Phiéc kép phạ (Tày), Mạch môn đông Tên khoa học: Ophiopogon japonicus (L.f.) Ker-Gawl. Họ: Convallariaceae Công dụng: Viêm phế quản, sốt nóng, thiếu sữa,ho, tiêu đờm, táo bón (Rễ sắc uống). |
Mô tả cây
- Mạch môn đông là một loại cỏ sống lâu năm, cao 10cm đến 40cm, rể chùm, trên rễ có những chỗ phát triển thành cù mẫm.
- Lá mọc từ gốc, hẹp dài, như lá lúa mạch dài 15~40cm, rộng 1-4mm, phía cuống hơi có bẹ, mép lá hơi có răng cưa.
- Cán mang hoa đài 10-20cm, hoa màu xanh nhạt, cuống 3 – 5 mm, tụ thành 1-3 hoa ở kẽ các lá bắc trắng nhạt.
- Quả mọng màu tím đen nhạt, đường kính 6mm, có 1-2 hạt
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang và được trồng ở Việt Nam để lấy củ dùng làm thuốc, nhiều nhất ở Phùng (Hà Tây), Nghĩa Trai (Hưng Yên), Ninh Hiệp (Hà Nội).
Thu hái
- Thường hái vào tháng 6-7 ở những cây đã được 2-3 năm.
- Chọn những củ già, cắt bỏ sạch rễ con, rửa sạch đất, củ to trên 6mm bổ làm đôi, củ nhỏ để nguyên phơi khô tước bỏ lõi trước khi dùng.
- Có khi hái về, dùng móng tay rạch củ, tước bỏ lõi, rang với gạo cho đến khi gạo có màu vàng nhạt, bỏ gạo lấy mạch môn mà dùng. Củ mạch môn hình thoi, màu vàng nhạt, hơi trong, dài 10-15mm. Mùi đặc biệt, vị ngọt.
Mô tả dược liệu
Mạch môn hình giống cái suốt vải, giữa béo mập, tròn, dẹt, không đầu. dài khoảng 1,6-3,3cm, đường kính phần giữa 0,3-0,6cm. Mặt ngoài mầu vàng trắng, nửa trong suốt, có vân dọc mịn. Chất mềm dai, mặt cắt ngang mầu trắng, giống chất sáp, mịn. Giữa có lõi cứng nhỏ, có thể rút ra. Hơi có mùi thơm, vị ngọt, nhai thì dính. Thứ to, màu trắng vàng nhạt, chất mềm, nhai dính là tốt. Thử nhỏ, mầu vàng nâu, nhai ít dính là loại kém.
Bào chế mạch môn
- Lôi Công Bào Chích Luận: Tẩm nước nóng cho mềm, rút bỏ lõi. Muốn tán bột thì sau khi rút bỏ lõi, sao nóng, để nguội, làm như vậy 3-4 lần thì khô dòn, tán bột được.
- Dược Tài Học: Lấy Mạch môn cho vào chậu, phun vào ít nước cho hơi mềm. Lấy bột mịn Chu sa rắc đều vào và trộn đều cho mặt ngoài dính đều bột Chu sa thì thôi. Lấy ra phơi khô là được.
- Dược Liệu Việt Nam: Rửa sạch cho nhanh (không ngâm nước lâu), để ráo nước cho se vỏ, dùng nhíp cùn rút bỏ lõi. Củ to thì bổ đôi, phơi khô hoặc sao qua, dùng.
Thành phần hóa học
Trong mạch môn người ta mới thấy có chất nhầy, chất đường. Mới đây có tác giả nói có glucoza và p. xitosterola. Các chất khác chưa rõ.
Tác dụng dược lý
- Thuốc có tác dụng tăng huyết lượng động mạch vành, bảo vệ bệnh thiếu máu cơ tim, cải thiện lực co bóp cơ tim và chống rối loạn nhịp tim, trên thực nghiệm, thuốc còn có tác dụng an thần (Trung Dược Học).
- Thuốc có tác dụng ức chế mạnh tụ cầu trắng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn thương hàn (Trung Dược Học).
- Tác dụng nội tiết: Dùng nước sắc hoặc cồn chiết xuất Mạch môn pha vào dịch truyền chích cho thỏ, thấy đảo Langerhans phục hồi nhanh, tăng lưọng dự trữ Glycogen so với lô đối chứng (Chinese Hebral Medicine).
- Tác dụng kháng khuẩn: Bột Mạch môn có tác dụng ức chế Stapylococus albus vaf E. Coli (Chinese Hebral Medicine).
- Thuốc có tác dụng ức chế mạnh tụ cầu trắng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn thương hàn… (Trích Yếu Văn Kiện Nghiên Cứu Trung Dược – NXB Khoa Học trung Quốc 1965, 301).
Vị thuốc mạch môn
Hình ảnh vị thuốc Mạch môn
Tính Vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính hàn.
Quy Kinh: Vào kinh Tâm, Phế, Vị.
Tác dụng:
- An thần, chỉ thấu (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
- Thanh tâm, nhuận phế (Bản Thảo Hối Ngôn).
- Bổ vị âm, tư tân dịch, giải khát (Bản Thảo Chính Nghĩa).
- Nhuận phế, dưỡng âm, ích vị sinh tân, thanh tâm, trừ phiền, nhuận trường (Trung Dược Học).
Chủ trị:
- Trị nhiệt độc, giải phiền khát, trị phù thũng mặt và chân tay… trị phế nuy, nôn ra mủ, tiết tinh (Dược Tính Bản Thảo).
- Trị tâm phế hư nhiệt (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
- Trị tâm khí bất túc, hồi hộp,lo sợ,hay quên, tinh thần tán loạn hoặc phế nhiệt phế táo, hơi thở ngắn,hư suyễn, ho ra máu, hư lao, sốt về chiều,hoặc tỳ vị táo, táo bón (Bản Thảo Hối Ngôn).
- Trị ho ra máu, miệng khô, khát nước, táo bón nơi người lớn tuổi, sau khi sinh (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều dùng
- Liều thường dùng 8-30g, dùng cho thuốc thang hoặc cao đơn hoàn tán, dùng cường tim liều cao hơn.
Kiêng kỵ:
- Thận trọng lúc dùng thuốc cho bệnh nhân tiêu chảy (Trung Dược Học).
- Tỳ vị hư hàn, tiêu chảy hoặc có thấp: kiêng dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Bài thuốc có vị mạch môn
Trị lao phổi, viêm phế quản mạn tính, họng viêm mạn, có hội chứng phế kèm ho kéo dài, ho khan:
Mạch môn. 20g, Bán hạ chế 6g, Đảng sâm 12g, Cam thảo 4g, Ngạnh mễ 20g, Đại táo 4 quả, sắc uống (Mạch Môn Đông Thang- Kim Qũy Yếu Lược).
Trị thổ huyết, chảy máu cam không cầm:
Mạch môn (bỏ lõi) 480g, nghiền nát, ép lấy nước cốt, thêm ít mật ong vào, chia làm 2 lần uống (Hoạt Nhân Tâm Kính).
Trị chảy máu cam:
Mạch môn (bỏ lõi), Sinh địa đều 20g.sắc uống (Bảo Mệnh Tập).
Trị họng lở loét, Tỳ và Phế có hư nhiệt bốc lên:
Mạch môn 40g, Hoàng liên 20g. tán nhuyễn, trộn mật làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 20 viên với nước sắc Mạch môn (Phổ Tế Phương).
Trị Tâm Phế có hư nhiệt, hư lao, khách nhiệt, cốt chưng, lao nhiệt:
Sa sâm, Ngũ vị tử, Thanh hao, Miết giáp, Ngưu tất, Địa hoàng, Thược dược, Thiên môn, Ngô thù du. Tán bột. Trộn mật làm viên (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
Trị bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, táo bón, hư nhiệt, phiền khát:
Mạch môn 12g, Ngọc trúc 20g, Hà thủ ô 16g, Đương qui 12g, Thục địa 16g, Sinh địa 12g, Hoài sơn 16g, Phục linh 8g, Nữ trinh tử 8g, Thiên hoa phấn 8g, Bạch thược 8g, Chích thảo 4g, sắc uống (Duỡng Chính Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị tim suy, có chứng hư thoát, ra mồ hôi nhiều, mạch nhanh, huyết áp hạ:
Mạch môn 16g, Nhân sâm hoặc Đảng sâm (lượng gấp đôi) 8g, Ngũ vị tử 6g, sắc uống, để bổ khí âm (Sinh Mạch Tán- Nội Ngoại Thương Biện Hoặc Luận). Trường hợp ra mồ hôi, bứt rứt khó chịu, dùng: Mạch môn 20g, Hoàng kỳ 8g, Đương qui 8g, Ngũ vị tử 4g, Chích thảo 4g, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị táo nhiệt hại phế, ho khan, đờm dính, họng đau:
Mạch môn 5g, Thạch cao 10g, Tang diệp 12g, Cam thảo 4g, Mè đen 4g, A giao 3g, Hạnh nhân 3g, Tỳ bà diệp 4g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị táo bón do âm hư:
Mạch môn đông 20g, Sinh địa 20g, Huyền sâm 12g, sắc uống (Tăng Dịch Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Tham khảo thêm:
Mạch môn có tác dụng thanh dưỡng âm của Phế và Vị do đó thường bỏ lỏi khi sử dụng. Nếu chỉ muốn thanh tâm hỏa mà tư âm thì thường cứ để cả lõi khi sử dụng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Mạch môn và Thiên môn cùng giống nhau, nhưng Mạch môn không béo và nhiều chất nhờn bổ bằng Thiên môn, vì vậy muốn tư âm thì dùng Thiên môn tốt hơn. Tuy nhiên Mạch môn bổ âm mà không dính nhầy mà con 2 có thể bổ dưỡng chân âm của Vị, điều này Thiên môn không sánh bằng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Mạch môn và Thiên môn đều có tác dụng dưỡng âm, thanh phế, nhuận táo, chỉ khái. Nhưng Mạch môn vị hàn, tác dụng tư âm, nhuận táo so với Thiên môn kém hơn. Mạch môn thiên về ích tỳ, sinh tân, thanh tâm, trừ phiền. Thiên môn tính rất hàn, nhiều nước, tác dụng tư âm nhuận táo mạnh hơn Mạch môn, thiên về tư thận, tráng thủy, thanh phế, giáng hỏa, hóa đờm nhiệt (Trung Dược Lâm Sàng Giám Dụng Chỉ Mê).