bg-news
bg-news2

Quả gấc: sắc màu cho sức khỏe

Gấc là một loại cây thân thảo dây leo thường được làm giàn mát hoặc hàng rào. Quả gấc được biết đến với màu cam, màu đỏ đặc trưng do rất giàu beta-carotene và lycopene có lợi cho mắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết những giá trị khác của loại quả này.

 

gac

Gấc

Tên tiếng Việt: Gấc nếp, Gấc, Mộc miết tử

Tên khoa họcMomordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.

Họ: Cucurbitaceae (Bầu bí)

Công dụng: Hạt mài với nước chữa bệnh quai bị. Dầu gấc làm thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh khô mắt, bôi các vết thương, vết bỏng, chỗ lở loét, làm nhanh lên da non, làm liền sẹo. Dầu hạt chữa mụn nhọt,..

 

Mô tả

  • Dây leo to, sống lâu năm, có rễ mập. Thân cứng nhẵn, có cạnh và khía.
  • Lá mọc so le, có 3-5 thuỳ màu lục sẫm, gốc hình tim, lúc đầu có lông ở mặt trên, sau nhẵn; gân 5 hình chân vịt, mép lá nguyên hoặc có răng thưa không đều; cuống lá dài 2-3 cm, có tuyến ở phần giáp với gốc lá; tua cuốn to, đơn.
  • Hoa đực và hoa cái riêng trên cùng một cây; hoa đực mọc ở kẽ lá, lá bắc hình thận to và rộng; dài có ống ngắn, các thùy hình tam giác nhọn, màu lam sẫm; tràng 5 cánh, màu trắng hoặc ngà vàng, hình trứng thuôn, có lông dày ở mặt trong; nhị 5; hoa cái có lá bắc nhỏ, bầu xù xì.
  • Quả hình bầu dục hoặc hình trứng, có cuống mập, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 12-17cm, mặt ngoài có rất nhiều gai nhọn, khi chín màu đỏ; hạt dẹt, màu đen hoặc xám đen, vỏ ngoài rất cứng có răng tù ở mép, dày 5-6 mm.
  • Mùa hoa quả tháng 7 – 12.

Phân bố sinh thái

Gấc được trồng chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Philipin, Lào và Việt Nam.

Ở Việt Nam, gấc được trồng từ lâu đời trong nhân dân. Cây trồng có giống quả chín màu đỏ (gấc tẻ) và giống quả màu vàng (gấc nếp). Giống Gấc nếp hiện thấy trồng ở một số vùng núi thuộc tỉnh Lai Châu và Sơn La. Giống Gấc tẻ có 2 loại: quả to và quả nhỏ, đều được trồng nhiều ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Bộ phận dùng

  • Hạt đã bóc bỏ áo hạt, phơi hay sấy khô.
  • Dầu gấc được ép từ màng hạt đã phơi hoặc sấy khô (Dược điển Việt Nam 1, tập 1).
  • Rễ thu hái vào mùa đông, rửa sạch và phơi khô.

Thành phần hóa học

Theo Stephen và các cộng sự (2002), thành phần dinh dưỡng chính trong quả gấc gồm: ß-carotene (175 µg/g thịt quả), lycopene (802 µg/g thịt quả), tổng carotenoids (977 µg/g thịt quả), lipid (102 µg/g thịt quả), hàm lượng nước của thịt quả (78% khối lượng).

  • Theo Le Thuy Vuong (2003), gấc có hàm lượng ß-carotene cao nhất trong tất cả các loại trái cây với nồng độ 35,5 mg/100 g thịt quả.
  • Thịt quả gấc chứa nhiều acid béo (đa số là các acid béo chưa no) như: oleic acid, palmitic acid, linoleic acid. Ngoài ra, phần thịt quả còn chứa nhiều dưỡng chất khác như: lycopene, zeaxanthin, ß-cryptoxanthin.

Màng đỏ bao quanh hạt (áo hạt) của quả gấc chứa đựng một lượng dầu gấc màu đỏ sẫm, chất sánh có mùi vị thơm đặc biệt, 100g dầu gấc có 150-175 mg β-carotene, 4 g lycopene và 12 g α-tocopherol (vitamin E thiên nhiên), 33,4% palmitic acid, 7,9% stearic acid.

Trong nhân hạt gấc chứa 2,61% protein, 55,3% lipid, 2,9% đường, 1,8% tannin, 2,8% cellulose. Trong lá gấc có chứa vitamin E.

Tác dụng dược lý

Tác dụng trên mắt: Dầu gấc có hàm lượng beta-caroten rất cao. Beta-caroten là tiền vitamin A, có hàm lượng cao nhất trong dầu Gấc và được coi như sự thay thế hoàn hảo vai trò của Vitamin A trong cơ thể về tác dụng trên mắt và tăng cường sức khỏe.

Tác dụng phòng ngừa ung thư: Năm 1990, Hà Văn Mạo, Đinh Ngọc Lâm và cộng sự đã có nhận xét về Gacavit (chế phẩm dầu gấc) được thực nghiệm trên súc vật thí nghiệm và trên người bệnh, có khả năng sửa chữa những rối loạn của nhiễm sắc thể, các khuyết tật của phôi thai do dioxin gây nên trên động vật thí nghiệm và khả năng phòng ngừa ung thư cho những người bị bệnh xơ gan.

Tác dụng hạ huyết áp: Dịch ngâm cồn – nước của hạt gấc thí nghiệm trên chó, mèo và thỏ gây mê đều có tác dụng hạ huyết áp, nhưng do độc tính quá lớn nên dù tiêm tĩnh mạch hay bắp thịt thì sau khi tiêm vài ngày súc vật đều chết.

  • Saponin từ hạt gấc tiêm tĩnh mạch cho chuột cống trắng làm hạ huyết áp trong một thời gian ngắn, kích thích hô hấp và tăng nhanh nhịp tim.
  • Hai glucosid chiết tách từ rễ gấc đã được chứng minh với liều 25mg/kg có tác dụng hạ đường huyết trên những chuột cống trắng bị bệnh đái đường thực nghiệm do Streptozotocin gây nên. Chất momorcochin, một glycoprotein từ thân củ gấc tươi có tác dụng gây sẩy thai.

Vị thuốc gấc

Tính vị: Nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc

Quy kinh: Vào Can, Tỳ

Công năng:

  • Dầu gấc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, làm sáng mắt.
  • Hạt gấc chỉ mới thấy dùng trong phạm vi kinh nghiệm dân gian, chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học. Theo sách cổ, hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh can và đại tràng. Hạt gấc dùng trong có tác dụng tiêu tích, lợi trường, tiêu thũng, sinh cơ; dùng ngoài có tác dụng tiêu sưng.
  • Rễ gấc vị đắng, tính mát, có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu.

Chủ trị: Ngâm rượu xoa bóp trị nhức mỏi gân xương, chấn thương ứ huyết, giã đắp sưng vú, tắc tia sữa, trĩ, ngâm giấm trị quai bị.

Bài thuốc có vị Gấc

Chữa sang chấn đụng giập trong những trường hợp bị ngã, bị thương, tụ máu:

Dùng hạt gấc đốt vỏ ngoài cháy thành than (nhân bên trong chỉ vàng, chưa cháy), cho vào cối giã nhỏ, cứ khoảng 30-40 hạt thì cho 400-500 ml rượu vào ngâm để dự trữ dùng dần.

Để chữa Trĩ:

Có thể dùng hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải, đắp vào hậu môn để suốt đêm. Mỗi đêm đắp thuốc một lần.

Chữa sưng vú:

Hạt gấc bỏ vỏ, sao vàng, tán bột mịn, uống mỗi ngày nửa thìa cà phê sau bữa ăn, ngày uống 2 lần, cần uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhân hạt gấc mài với giấm hoặc ngâm rượu bôi vào chỗ đau, ngày 3-4 lần.

Chữa bướu hạch:

Hạt gấc bỏ vỏ cứng rang khô, tán thành bột, mỗi lần uống 1 thìa cà phê, ngày uống 3 lần sau bữa ăn, uống 5 ngày liền, bên ngoài dùng nhựa cây đại bôi vào chỗ đau, hạt gấc ngâm rượu làm cồn thoa bóp.

Tham khảo công dụng khác của gấc

Người ta ví quả gấc như cái túi chứa đầy carotene (tiền vitamin A) mà không một loại rau, củ, quả nào có thể so sánh được.

  • Màng gấc: Nhân dân ta dùng đồ xôi, ăn cả xôi và màng gấc.
  • Dầu gấc: Dầu gấc có tác dụng như những thuốc có vitamin A, dùng bôi lên các vết thương, vết loét, vết bỏng làm cho chóng lành, lên da. Uống dầu gấc, người bệnh chóng lên cân, tăng sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể, do chất caroten dưới tác dụng của men carotenase có nhiều trong gan sẽ tách caroten thành hai phần tử vitamin A.
  • Hạt gấc: Theo Đông y, hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc, dùng chữa các chứng bệnh ung thũng, mụn nhọt độc, tràng nhạt, eczema, viêm da thần kinh, trĩ, phụ nữ sưng vú. Có thể chế thuốc viên hay tán bột uống. Liều uống từ 0,8-1,2g.

Theo các sách cổ, nhân hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào 2 kinh can và đại tràng, tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng. Nó được dùng trong những trường hợp ngã, bị thương, sang độc, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng thũng. Hạt gấc có thể dùng uống (ngày 1 nhân nướng chín) nhưng chủ yếu là dùng bôi ngoài, không kể liều lượng.

Trong nhân dân, nhiều gia đình có thói quen để dành hạt gấc sống hoặc đã qua đồ xôi. Khi cần đến thì chặt đôi đem mài với ít rượu hoặc giấm thanh để bôi chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị; bôi nhiều lần trong ngày, cứ khô lại bôi; rất mau khỏi.

  • Có người giã nhân hạt gấc với một ít rượu, đắp lên chỗ vú sưng, đắp liên tục, ngày thay thuốc 1 lần, rất chóng khỏi

 

Liên hệ

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DƯỢC LIỆU VÂN HỒ

  • Địa chỉ : Bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
  • Hotline : 097 234 6262
  • Email : info@duoclieuvanho.vn
  • Website : www.duoclieuvanho.vn
Liên hệ với chúng tôi