Táo mèo hay còn gọi là sơn tra là một vị thuốc hay dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa như thực tích, đầy trướng bụng, khó tiêu… Ngoài ra thì nó còn có rất nhiều công dụng khác mà bạn chưa biết đến, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của Táo mèo
Táo mèoTên tiếng Việt: Chua chát, Sơn tra, Táo mèo, Sán sá (Tày), Co sam sa (Thái) Tên khoa học: Docynia indica (Wall.) Decne. Họ: Rosaceae (Hoa hồng) Công dụng: Bổ (Quả nhiều vitamin C). Kích thích tiêu hóa, huyết ứ, huyết áp cao (Quả). |
Mô tả
- Cây nhỡ cao 5m, nhánh và thân non có gai và lá có phiến có thùy.
- Lá ở nhánh già không có thùy, thon, dài 7-10cm, đầy lông lúc non, mép có răng nhỏ, gân phụ 6-10 cặp; lá kèm mau rụng.
- Tán 1-3 hoa, cuống ngắn; đài đầy lông trắng, mịn, phiến nhọn; cánh hoa to 10x5mm, mỏng, không lông; nhị ngắn; vòi nhụy 5, dính nhau, bầu nhiều noãn.
- Quả thịt, tròn hay hình trứng, vàng vàng to 5cm, vỏ quả trong cứng.
- Ra hoa tháng 2-4, quả tháng 7 trở đi.
Tránh nhầm với vị sơn tra của Trung Quốc có tên khoa học là Crataegus cuneata Sieb. et Zucc. (nam sơn tra hay dã sơn tra).
Sơn tra Trung Quốc khác với sơn tra Việt Nam (táo mèo) ở chỗ: lá non và lá già xẻ 3-5 thùy, mép có răng cưa, quả hình cầu nhỏ, đường kính 1-1,2cm, khi chín màu vàng hay màu đỏ (nam sơn tra), 1-1,5cm khi chín màu đỏ sẫm (bắc sơn tra).
Bộ phận dùng
Quả – Fructus Docyniae Indicae; Quả chín dùng được hay sấy khô.
Phân bố, sinh thái
Trên thế giới, táo mèo phân bố ở Ấn Độ, Mianma và 1 số tỉnh phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi cao phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu.
Thành phần hóa học
Sơ bộ thấy táo mèo thu hái ở Lào Cai chứa tanin 2,76%, đường 16,4%, acid hữu cơ 2,7%
Tính vị, công năng
Táo mèo có vị chua, ngọt, hơi chát, tính ấm, có tác dụng kiện vị, tiêu thực.
Công dụng
Quả ăn được và được dùng là thuốc bổ tỳ, kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon, dễ tiêu, chữa đầy bụng, ợ chua. Dạng dùng là bột, viên hoặc cao lỏng.
Có thể kết hợp với các vị thuốc theo công thức sau: táo mèo 25g, củ sả 25g, chỉ xác 25g, vỏ vối 25g, cỏ quýt 25g, củ gấu 40g, gừng tươi 20g, phèn 10g. Tất cả phơi khô tán bột. Người lớn
Bài thuốc vị táo mèo
1. Chữa trị chứng đầy bụng bằng táo mèo:
Lấy 30g táo mèo khô, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày, cần uống 2-3 ngày.
2.Táo mèo giúp chữa rối loạn mỡ máu:
Lấy 50g táo mèo thái phiến đem nấu với 50g gạo tẻ thành cháo. Sau đó, cho đường phèn vừa ngọt, chia vài lần ăn trong ngày.
3. Trị huyết áp cao, phòng biến chứng bằng táo mèo:
- Cách 1: Sao đen 12g táo mèo, 12g thảo huyết minh, 9g hoa cúc trắng.
Sau đó, tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút, có thể uống thay trà trong ngày - Cách 2: Táo mèo 12g, hoàng kì 45g, cát căn 20g, tang kí sinh 20g, đan sâm 3g. Sắc lấy hai nước trộn vào và cô đặc lại còn chừng 300ml, chí vài lần uống trong ngày. Mỗi liệu trình 15 ngày, nghỉ 20 ngày rồi uống tiếp.
4. Thuốc tiêu thực:
Táo mèo 25g, củ sả 25 g, chỉ xác 25g, vỏ vối 25g, củ gấu 40g, gừng tươi 20g, phèn phi 10g, tất cả phơi khô sao giòn tán bột mịn. Người lớn uống 2 thìa cafê chiêu với nước ấm, trẻ nhỏ từ nửa thìa cafê đến 1 thìa cafê tùy theo tuổi.
5. Táo mèo giúp tăng cường khả năng tiêu hóa:
Dùng 200g táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300 ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15 ml. Sau khi uống hết rượu, trái táo mèo còn lại trộn với đường kính ăn dần.
6. Táo mèo chữa cao huyết áp, mỡ máu cao:
Táo mèo 15gr, lá sen 15gr sắc nước uống thay trà trong ngày.
NGÂM RƯỢU TÁO MÈO
Chọn quả ương có mầu vàng và 1 phần xanh nếu chọn được táo có mầu hồng như quả đào thì nên chọn vì loại táo này vừa thơm mà mầu ngâm rất đẹp.
- Rửa sạch táo với nước sạch, để ráo.
- Cắt bỏ núm hai đầu, bỏ chỗ dập, không gọt vỏ, không bỏ hạt.
- Bổ ngang hoặc bổ đôi, ngâm trong nước sạch để thật ráo.
- Vớt ra, ngâm trong nước muối pha loãng 30 phút.
- Rửa sạch lại.
- Sau đó ngâm rượu với tỷ lệ: 1 lít rượu ngâm với 2-3 kg táo tươi nên ngâm rượu nếp trên 40 độ.
TÁO MÈO NGÂM ĐƯỜNG
Cách chế biến nước táo mèo rất đơn giản, chỉ cần mua loại quả chín, rửa sạch để ráo, bổ tư, để nguyên hột.
Cứ 2 kg quả cho một cân đường, đậy kín.
Sau 3 đến 6 tháng nước cốt sẽ có mầu nâu vàng sóng sánh, vị ngọt dịu. Chiết nước này ra cốc, thêm chút nước lọc, đá là có thể thưởng thức được.
- Hương vị: Cảm giác giống như vang, có vị chua chua, chát chát, ngọt ngọt và mùi thơm
rất đặc trưng. - Uống nước táo mèo có tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, kích thích tiêu hoá, ăn cơm ngon miệng.